

Kinh Thành Huế
Do vua Gia Long xây dựng từ năm 1805 và sau này được vua Minh Mạng tiếp tục hoàn thành vào năm 1832. Tại đó các vua triều Nguyễn đã cho xây dựng khá nhiều thành quách, cung điện và các công trình của hoàng gia. Trải qua gần 200 năm khu kinh thành hiện nay còn hầu như nguyên vẹn với gần 140 công trình xây dựng lớn nhỏ.
Kinh thành hình vuông với chu vi 10 km, cao 6,6 mét, dày 21 mét, gồm có 10 cửa để ra vào. Xung quanh và ngay trên thành có thiết lập 24 pháo đài để phòng thủ. Ngoài ra còn có một cửa phụ thông với Trấn Bình Đài gọi là Thái Bình Môn.

Hoàng Thành (Đại Nội)
Nằm ở khoảng giữa kinh thành là nơi đặt các cơ quan cao nhất của chế độ quân chủ và là nơi thờ tự các vua chúa đã quá cố. Hoàng Thành có mặt bằng gần vuông, mỗi bề khoảng 600 mét, xây bằng gạch, cao 4 mét, dày 1 mét xung quanh có hào bảo vệ, có 4 cửa để ra vào, riêng Ngọ Môn chỉ dành để cho vua đi. Đại Nội gồm có hơn 100 công trình kiến trúc đẹp được chia ra nhiều khu vực:
-
Từ Ngọ Môn đến điện Thái Hoà: nơi cử hành các lễ lớn của triều đình.
-
Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu và điện Phụng Tiên: nơi thờ các vua chúa nhà Nguyễn.
-
Phủ Nội Vụ: nhà kho tàng chữ đồ quý, xưởng chế tạo đồ dùng cho Hoàng Gia.
-
Vườn Cơ Hạ và điện Khâm Văn: nơi các hoàng tử học tập và chơi đùa.

Tử Cấm Thành
Là vòng thành nằm trong Hoàng Thành ngay sau Lưng điện Thái Hoà. Tử Cấm Thành dành riêng cho vua và gia đình vua.
Tử Cấm Thành được xây dựng năm 1804. Thành cao 3,72 mét xây bằng gạch, dày 0,72 mét, chu vi khoảng 1230 mét, phía trước và phía sau dài 324 mét, trái và phải hơn 290 mét, bao gồm gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ và có 7 cửa ra vào. Đại Cung Môn là cửa chính ở mặt tiền chỉ dành cho vua đi vào. Cần Chánh (nơi vua làm việc hàng ngày). Càn Thành (nơi vua ở), Cung Khôn Thái (chỗ ở của Hoàng Quý Phi). Duyệt Thi Đường (nhà hát), Thượng Thiện (nơi nấu ăn cho vua). Thái Bình Lâu (nơi vua đọc sách)...

Cung Diên Thọ
Nơi ở của Hoàng Thái Hậu (mẹ vua), dựng năm 1804, ở ngoài khu vực Tử Cấm Thành (mé bên phải), ngoài cung còn có nhiều công trình lớn nhỏ khác nữa, nằm gọn trong một khu vực hình chữ nhật, chu vi trên 500m, có tường cao vây bọc.
Qua Thọ Chỉ Môn là cổng chính sẽ tới một sân rộng có tấm bình phong đồ sộ án ngữ phía trước. Hai bên sân có một số công trình kiến trúc, bên trái là nhà Tả Trà, bên phải là lầu Tịnh Minh. Cung Diên Thọ nằm ở vị trí trung tâm, dựng theo kiểu "trùng thiền diệp ốc", nền thấp, có hiên rộng mái lợp ngói âm dương, trang trí hình chim phượng; bờ nóc, bờ mái. dải cổ diêm...đắp ô học, gắn những bức tiểu họa nhiều màu sắc. Các bộ phận kết cấu gỗ ở bên trong Cung Diên Thọ đều bằng gỗ lim không sơn son thiếp vàng, chỉ đánh bóng hoặc chạm hình hoa lá cách điệu và các mẫu hình trang trí truyền thống khá trang nhã tinh tế.
Tòa chính dinh gồm bảy gian; hai gian đầu bên phải và hai gian đầu bên trái được ngăn thành buồng, kín đáo riêng biệt nhưng hơi tối: ba gian giữa là nơi tiếp khách. Phía sau cung Diên Thọ là điện Thọ Ninh, bên trái là tạ Trường Du, bên phải là Am Phước Thọ, tất cả đều nối với cung bằng một hệ thống hành lang có mái che. Cung Diên Thọ cũng được nối lên với điện Câu Thành (nơi vua ở) và Thái Bình Lâu. Duyệt Thị Đường bằng hệ thống trường lang. có mái che, tạo thành lối đi lại rất thuận tiện trong mọi thời tiết.Cung Diên Thọ là một công trình kiến trúc lớn, có nhiều vẻ đẹp độc đáo thâm nghiêm ấm cúng trang nhã còn được bảo tồn khá tốt cho tới nay.

Sân Đại Triều Nghi và Điện Thái Hoà
Phía sau Ngọ môn qua cầu trung đạo ngang Hồ Thái Dịch với hai bà môn thanh mảnh cột đồng rồng quấn, biển gạch lam mầu sắc rực rỡ ở hai đầu cầu, du khách đứng trước sân rộng, chia làm 3 cấp đó là sân Đại Triều Nghi (còn gọi là sân rồng) nơi trăm quan văn võ và đại biểu "trăm họ" chầu vua bên sân có những tấm bia đá ghi rõ vị trí của các quan chức theo phẩm trật. Khu vực thấp nhất, gọi là đệ tam bái đình (sân chầu thứ ba) dành cho các Hương hào kỳ lão và họ ngoại của nhà vua (được vào chầu nhân những dịp đặc biệt nào đó, như là lễ mừng thọ nhà vua chẳng hạn. phía trên đệ nhị bái đình, cao hơn một cấp dành cho các Quan từ cửu phẩm đến tứ phẩm; đệ nhất bái đình cao nhất.
Sát thềm điện Thái Hòa, dành cho các quan từ tam phẩm đến nhất phẩm, Điện làm theo kiểu trùng thiềm Diệp ốc (nhà kép ghép dọc), dựng trên nền hình chữ nhật, cao hơn "Đệ nhất bái đình" khoảng một mét, và cao hơn mặt đất phía ngoài sân tới gần hai mét rưỡi. Tiền điện (hoặc tiền tích, tiền doanh, tiền đường) nằm ở phía trước cao hơn 10m, gồm 7 gian chính, 2 chái ở hai đầu có tường bao trổ cửa sổ tròn; chính diện nằm sát phía sau tiền điện, cao hơn tiền điện khoảng 2m, Mái điện trước đây lợp ngói ống men vàng. Bờ mái, bờ nóc trang trí hình rồng; phần cổ điện đắp ô hộc gắn hình trang trí và những bức tiểu hoa, tiểu thị tráng men pháp lam. Chính giữa nóc tiền điện có gắn bầu rượu bằng pháp lam. Bên trong tiền điện không làm trần. Nơi mái tiền điện và chính điện tiếp giáp nhau có đặt máng xối, bên dưới là trần thừa lu (vỏ cua) trang trí thanh nhã. nối liền với trần của chính điện. Trần của chính điện có chia thành nhiều ngăn, treo đèn lồng gian giữa, phía trong cùng của chính điện có kê bục cao ba tầng trên đặt ngai vàng, phía sau ngai vàng bức trướng lớn thêu rồng phía trước ngai đặt bàn nhỏ khảm xà cừ đỉnh đồng. Bao quanh gian giữa ở phía trên là những lớp y môn lộng lẫy trạm trổ tỉ mỉ, phối hợp hài hòa với những hàng cột trang trí bằng mây, rực rỡ vàng son. Liên kết các hàng cột có bầy nhiều độc bình, ché, chậu cảnh đều là đồ sứ cổ quý giá.
Điên Thái Hòa là nơi thiết đại triều (vào ngày mồng một và ngày rằm hàng tháng) và tổ chức các cuộc đại lễ (lễ lên ngôi, lễ mừng thọ, lễ tuyên thệ gọi tên các vị tân khoa trong các cuộc thi đình v,v...)
◄
1 / 1
►
